"Bí kíp" truyền cảm hứng

Ngày 30-07-2019 Lượt xem 1136

Việc truyền cảm hứng cần bắt đầu từ việc nhà lãnh đạo sẵn sàng trao quyền và khuyến khích cơ chế ra quyết định từ cấp nhân viên trở lên trong doanh nghiệp của mình. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, người lãnh đạo hiện đại phải biết tạo cảm hứng, truyền năng lượng cho các cán bộ, công nhân viên cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh hơn. Việc truyền cảm hứng cần bắt đầu từ việc nhà lãnh đạo sẵn sàng trao quyền và khuyến khích cơ chế ra quyết định từ cấp nhân viên trở lên trong doanh nghiệp của mình.

“Cá nhanh nuốt cá chậm” Nếu như trước đây, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quen với quy luật “cá lớn nuốt cá bé”, có nghĩa các doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh thị trường và dễ dàng “nuốt chửng” doanh nghiệp nhỏ hoặc mới manh nha, thì nay thời thế đã thay đổi. Quy luật của thương trường hiện nay là “cá nhanh nuốt cá chậm”, nghĩa là những doanh nghiệp có sản phẩm đột phá, có khả năng thích ứng nhanh  với biến động thị trường, có mô hình kinh doanh đem lại tốc độ tăng trưởng nhanh mới là những doanh nghiệp dành chiến thắng. Ngược lại, những doanh nghiệp ngại thay đổi, mong muốn ở trong vùng an toàn quá lâu sẽ tự đưa mình vào vòng nguy hiểm, sau đó tự loại mình ra khỏi cuộc đua. Bởi vậy, các doanh nghiệp ngay nay cần mơ những giấc mơ lớn, sáng tạo ra những cách làm mới, những ý tưởng mới và sẵn sàng thích nghi với những biến động thị trường. Đặc biệt, để đáp ứng những biến đổi từng ngày của nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp cần đi qua quá trình từ những thay đổi về sản phẩm, dịch vụ đến những thay đổi về cấu trúc quản trị doanh nghiệp, qua đó tạo ra những thay đổi về văn hóa doanh nghiệp. Muốn vượt qua những trở ngại phát sinh từ những thay đổi liên tục này, các doanh nghiệp cần có đội ngũ cán bộ nhân viên chủ động, nhạy bén với những thay đổi của thị trường. Vậy làm sao xây dựng được đội ngũ này? Yếu tố tiên quyết được khẳng định là phải bắt nguồn từ người lãnh đạo doanh nghiệp. Chuyên gia người Bỉ Alain Goudsmet - Tổng Giám đốc Học viện Mentally Fit khẳng định, điều quan trọng nhất của một lãnh đạo là tạo cảm hứng sáng tạo cho nhân viên. Theo đó, muốn truyền “lửa” cho nhân viên, trước hết người lãnh đạo cần nắm bắt được năng lượng của tổ chức, doanh nghiệp. Giá trị năng lượng của doanh nghiệp bao gồm cả những giá trị từ quá khứ - hiện tại - tương lai. “Nắm bắt được năng lượng của tổ chức, quan tâm và chỉ đạo sát sao trong vận hành hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp người chủ doanh nghiệp có được năng lực lãnh đạo, tạo được sự phát triển trong doanh nghiệp. Sự lãnh đạo của người chủ doanh nghiệp cần được thực hiện theo hướng tạo cảm hứng, truyền năng lượng, chứ không phải lãnh đạo chủ thể cá nhân đơn thuần”, ông Alain Goudsmet nhấn mạnh. Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Trường, nghiên cứu sinh tiến sĩ Lãnh đạo chiến lược tại Đại học James Madison (Hoa Kỳ) cho rằng, trong một xã hội phát triển và nhiều biến động, sự gắn kết giữa lãnh đạo và nhân viên càng cần chặt chẽ để vượt qua mọi sóng gió. Khi đó, người lãnh đạo cần tạo động lực, chạm đến cảm xúc của nhân viên để thực sự kết nối với họ, có như vậy nhân viên mới đập tan nỗi sợ hãi, phát huy tối đa tính sáng tạo, đóng góp hết mình cho doanh nghiệp. Sẵn sàng trao quyền Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên? Các chuyên gia cho rằng, điều đầu tiên cần có là khả năng thuyết phục của người lãnh đạo. Theo đó, người lãnh đạo không chỉ cần có khả năng truyền cảm hứng cho những người khác với ý tưởng và mục tiêu của mình, mà còn phải biết thuyết phục đối phương làm theo họ. Nhà lãnh đạo phải khiến nhân viên tin tưởng mình, và khiến họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi thực hiện công việc. Một nghiên cứu phân tích dữ liệu của 2 chuyên gia Elena Botelho và Kim Powell đối với 17.000 lãnh đạo cho thấy, Steve Jobs, người sáng lập Apple, là một trong những kiểu người nói trên. Mặc dù Steve Jobs không phải lúc nào cũng được coi là người lãnh đạo tốt nhất, nhưng ông vẫn khiến mọi người tin tưởng và có thể truyền cảm hứng cho những người khác bằng những ý tưởng độc đáo của mình. Trong khi đó, nghiên cứu của ông Alain Goudsmet đã chỉ ra rằng, để truyền động lực làm việc cho nhân viên, các nhà lãnh đạo cần chuyển từ phương thức “nói” sang phương thức “hỏi”, tác động vào chỉ số cảm xúc (EQ) thay  vì chỉ số thông minh (IQ), trao quyền cho các thành viên trong nhóm thay vì kiểm soát họ, huấn luyện phát triển thay vì quản lý, chuyển đổi tư duy của mỗi thành viên trong doanh nghiệp từ việc chỉ ưu tiên làm những việc đem lại lợi ích cho đội nhóm của mình sang tư duy làm gì cũng vì lợi ích cao nhất của doanh nghiệp. Cùng với đó, việc truyền cảm hứng của người lãnh đạo phải từ việc đưa ra mệnh lệnh chuyển sang yêu cầu. “Nhà lãnh đạo cần sẵn sàng trao quyền và khuyến khích cơ chế ra quyết định từ cấp nhân viên trở lên trong doanh nghiệp của mình. Điều đó làm cho việc tương tác giữa lãnh đạo và các nhân viên sẽ thường xuyên hơn, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả làm việc”, ông Alain Goudsmet cho biết và nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là người lãnh đạo phải sẵn sàng trao cơ hội cho nhân viên thực hiện công việc mới và chịu trách nhiệm về điều đó; có thưởng, phạt công bằng; có như vậy nhân viên mới cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.

Nguồn: Anh Duy - tạp chí doanh nhân.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat