Khối ngoại mua ròng tuần thứ tư liên tiếp. Cá nhân trong nước vẫn là bên bán ròng nhưng điểm khác là dòng tiền đã sôi động trở lại với sự xuất hiện của phiên giao dịch gần tỷ USD.
Tuần tăng mạnh nhất từ năm 2009
Thị trường có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp và xác lập mức tăng mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ 2009 đến nay.
Kết thúc tuần giao dịch từ 28/11-2/12, VN-Index tăng 108,55 điểm (+11,2%) lên 1.080,01 điểm, HNX-Index tăng 19,19 điểm (+9,8%) lên 215,96 điểm. Chỉ số sàn UPCoM tăng 5,5% lên 72,21 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index đã tăng lần lượt 6 và 7 phiên liên tiếp. Trên sàn HoSE, chỉ số chung cũng chỉ điều chỉnh trong phiên 1/12 trong 7 phiên giao dịch gần đây.
Đây cũng là tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhìn lại thị trường toàn cầu tuần qua, chứng khoán Việt Nam cũng là thị trường tăng mạnh thứ hai, chỉ sau Venezuela. Nhịp hồi phục ba tuần liên tiếp đã giúp Việt Nam không còn nằm trong top thị trường giảm mạnh tính trong một tháng trở lại đây, nhưng vẫn đang nằm trong ba thị trường giảm sâu nhất trong giai đoạn 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hay khi so với thời điểm đầu năm.
Xuất hiện phiên giao dịch gần tỷ USD; cá nhân tiếp tục bán ròng, khối ngoại chưa ngừng gom
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 78,4% so với tuần trước đó lên 91.678 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 70,6% lên 5.476 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 86% lên 7.337 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 74,6% lên 597 triệu cổ phiếu. Theo thống kê của Chứng khoán SHS, khối lượng giao dịch trong tuần qua trên sàn HoSE cũng đạt mức cao thứ ba trong lịch sử.
Bình quân mỗi phiên, giá trị giao dịch đạt 18.342,94 triệu đơn vị/phiên trên sàn HoSE, tăng 78,47% so với tuần trước và 1.466,25 triệu đơn vị/phiên trên sàn HNX, tăng 85,97% so với tuần trước. Tại phiên 1/12, giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 24.342 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 tỷ USD tại thời điểm đó nhưng đã vượt trên mốc này nếu tính theo tỷ giá USD/VND ở thời điểm hiện tại. Trong ngày 2/12, các ngân hàng đã bất ngờ giảm mạnh tới 400 đồng và hiện chỉ còn giao dịch ở mức 24.240 đồng đổi 1 USD ở chiều bán ra tại Vietcombank.
Khối ngoại đã có tuần mua ròng kỉ lục trên sàn HoSE trong năm 2022 với giá trị đạt 9.181 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, giá trị mua ròng đạt 9.353 tỷ đồng. Trong tuần qua, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF chính thức được cấp phép huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với quy mô lên đến 5 tỷ Đài tệ tương đương gần 4.000 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT, xu hướng dòng vốn ngoại sẽ vẫn duy trì tích cực trong tuần tới khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt và quỹ Fubon ETF tiến hành giải ngân sau khi gọi vốn lần thứ tư.
Sắc xanh lan toả, cổ phiếu thép tiếp tục dẫn dắt đà tăng
Sắc xanh lan rộng trên toàn thị trường, thậm chí số lượng các mã tăng kịch biên độ vọt lên ở nhiều phiên giao dịch. Theo thống kê của bộ phận phân tích Chứng khoán SHS, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất trong tuần qua với mức tăng 18% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhóm ngành con là thép hồi phục mạnh với các đại diện như HPG (+27,1%), HSG (+24,7%), NKG (+26,8%)...; ngành con hóa chất với DGC (+22,8%), CSV (+15,7%)... Nhóm dầu khí tăng mạnh thứ hai với 13,9% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu tiêu biểu như PLX (+11,3%), BSR (+16,3%), OIL (+16,2%), PVD (+21,1%), PVS (+17,5%)...
Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến sự bật lên mạnh mẽ của cổ phiếu dược, bán lẻ, bất động sản và nhóm tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán hay bảo hiểm.
Top 5 cổ phiếu tác động tích cực lên VN-Index tuần qua lần lượt là VCB, VHM, HPG, TCB, VIC. Ở chiều ngược lại, “ông lớn” ngành bia Sabeco là cổ phiếu góp nhiều điểm giảm nhất. Trên sàn HNX, CEO, IDC, PVS, SHS, VCS là top 5 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số chung.
Về giá cổ phiếu, các cổ phiếu tăng nhiều nhất trong tuần là L14 (+59,9%), CEO (59,42%), APS (+55,41%)… Trong khi đó, vẫn có một số cổ phiếu “bốc hơi” trên 30% trong tuần như SDU, IBC.
Thị trường biến động mạnh. Khá nhiều cổ phiếu duy trì 5 phiên liên tục tăng trần như PET, VOS, DRH, NHA, HQC, DXG… Ở chiều ngược lại, IBC tiếp tục có thêm lần giải trình thứ hai khi cổ phiếu đã giảm kịch sàn 5 phiên liên tiếp. Phía công ty cho biết lý do khiến cổ phiếu IBC giảm giá trong thời gian gần đây là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như những tác động của bối cảnh vĩ mô.
“Apax Holdings cũng khẳng định luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng niêm yết và rất mong được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý”, văn bản giải trình của công ty cho hay.
Tuy nhiên, thực tế đang có các vấn đề riêng tại Apax Holdings và công ty con Apax English. Apax English đã bị nhiều phụ huynh học sinh tố hệ thống này tạm dừng giảng dạy trong khi đã nhận tiền học phí và yêu cầu được hoàn trả học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo. Apax English mới đây đã có thông báo tái cấu trúc hệ thống kể từ ngày 25/11 và dự kiến kết thúc vào hết quý I/2023. Ngoài ra, giữa tháng 11/2022, Apax Holdings bị Cục Thuế TP. Hà Nội cưỡng chế thuế với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.
Chủ tịch Hoà Phát trở lại vị trí thứ hai top người giàu, vốn hoá thị trường tăng 20,45 tỷ USD
Quy mô vốn hoá của các doanh nghiệp hồi phục mạnh nhờ giá cổ phiếu tăng. Trên cả ba sàn, vốn hoá thị trường đã tăng 495.737 tỷ đồng, tương đương 20,45 tỷ USD. Vietcombank tiếp tục giữ ngôi vương về vốn hoá, đồng thờim đã trở lại vượt mốc 400.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG có tuần hồi phục mạnh mẽ khi tăng tới 27,12%. Giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT và cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 26% vốn điều lệ Hoà Phát đã tăng thêm 6.293 tỷ đồng tuần qua, lên 29.492 tỷ đồng. Ông Long cũng là cá nhân có giá trị tài sản chứng khoán tăng mạnh nhất tuần, qua đó trở lại vị trí thứ hai top người giàu trên sàn.
Tài sản chứng khoán của top 10 đều tăng trong tuần hồi phục của VN-Index, trừ ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Home, chủ yếu do giá cổ phiếu KSF đi xuống (-0,99%).
Nguồn: Sưu tầm