Chứng khoán qua tuần “sốc nhiệt”, ám ảnh giải chấp và dấu ấn khối ngoại, cổ phiếu thép

Ngày 21-11-2022 Lượt xem 3921

Chứng khoán tuần 14/11-18/11 đi qua hai sắc thái rõ rệt. Từ trạng thái bán tháo, ồ ạt giải chấp chuyển sang các lệnh đua mua giá trần, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu thép .

Dao động mạnh, VN-Index bật ngược khi thủng mốc 900 điểm

Đây là tuần giao dịch hiếm hoi các chỉ số chứng khoán Việt Nam giao dịch trong biên độ rộng. Áp lực bán giải chấp mạnh kéo cả ba chỉ số lao dốc trong hai phiên đầu và cả tới phiên sáng ngày 16/11. VN-Index thủng mốc 900, điều chỉ diễn ra vài lần và trong giai đoạn nửa năm khi thị trường bị bán tháo vì đại dịch xét trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, thành trì trên cuối cùng vẫn được giữ vững. VN-Index bật lên từ ngưỡng hỗ trợ mạnh 900 điểm. Thị trường đôpỉ sắc thái trong nửa còn lại của tuần. Trái ngược với sắc xanh sàn áp đảo ở nửa đầu tuần, số lượng các mã tăng kịch biên độ tăng vọt. Khá nhiều cổ phiếu đã lao dốc rất sâu đã tăng trần trong cả ba phiên cuối tuần.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 14,8 điểm (+1,6%) lên 969,33 điểm, HNX-Index tăng 1,06 điểm (+0,6%) lên 190,87 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 11,4% so với tuần trước đó lên 58.720 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 24% lên 3.857 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 2,3% so với tuần trước đó lên 4.638 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 37,7% lên 434 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong top 15 thị trường tăng tích cực trên thế giới tuần qua. Tuy vậy, xét trong giai đoạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hay so với thời điểm đầu năm, chứng khoán Việt Nam vẫn là “quán quân” giảm điểm.  

Nhận định về diễn biến rung lắc mạnh tuần giữa tháng 11, khối phân tích Chứng khoán VNDirect đánh giá dòng tiền bắt đáy đã được kích hoạt khi xuất hiện những tín hiệu hỗ trợ thị trường từ phía Chính phủ. Trong đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản; Thủ tướng tại cuộc tiếp xúc cử tri  TP. Cần Thơ đã đề cập việc xem xét nới “room” tín dụng phù hợp, xem xét sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết.

Dòng tiền trở lại

Bên cạnh sự xuất hiện của các thông tin hỗ trợ, việc thị trường chứng khoán Việt Nam về vùng định giá rất hấp dẫn sau đợt điều chỉnh mạnh đã thu hút dòng tiền khối ngoại đổ mạnh vào thị trường. Từ đầu tháng 10, số phiên mua ròng của khối ngoại lại áp đảo. Lực bán ròng lớn nhất cũng phần lớn nằm ở giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Eximbank hôm 28/10 là hơn 2.900 tỷ đồng.

Riêng trong tuần 14/11-18/11, khối ngoại mua ròng tổng cộng 5.272 tỷ đồng, mức giải ngân ròng mạnh nhất kể từ tháng 5. Riêng cổ phiếu Sacombank được mua vào hơn 805 tỷ đồng. HPG là “tâm điểm” bị bán ròng trước đây cũng đã được khối ngoại giải ngân trở lại hơn 619 tỷ đồng tuần qua. Một số cổ phiếu khác cũng được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên 300 tỷ đồng như SSI, KDH, VIC, VHM. Ở chiều ngược lại, DGC là cổ phiếu bị bán ròng khá mạnh (93,2 tỷ đồng).

Dòng tiền của khối ngoại đóng vai trò là bên mua chính, sau đó tổ chức trong nước (không bao gồm tự doanh) cũng đã có động thái giải ngân ròng. Trên sàn HoSe, nhà đầu tư cá nhân trở lại mua ròng trong phiên giao dịch 18/11 sau giai đoạn dài bán ròng.

Cùng sự trở lại của dòng tiền, thị trường đã xuất hiện các phiên giao dịch trên 1 tỷ cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HoSE đạt 818,04 triệu đơn vị/phiên, tăng 22,98% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 11.747,83 triệu đơn vị/phiên, tăng 10,52% so với tuần trước. Còn trên sàn HNX, khối lượng giao dịch bình quân đạt 86,68 triệu đơn vị/phiên, tăng 37,63% so với tuần trước. Tuy vậy, giá trị giao dịch bình quân đạt 926,92 triệu đơn vị/phiên, chỉ tăng 2,28% so với tuần trước do biến đọng về giá.

Hiện tượng ngành thép: HPG tăng 22%, dòng tiền ồ ạt giao dịch

Sắc xanh áp đảo trên sàn chứng khoán nhờ phục hồi ở nửa sau của tuần giao dịch. Dù có triển vọng kinh doanh ngắn hạn tiêu cực, ngành thép vẫn được dòng tiền chú ý khi đã chiết khấu đủ sâu. Điều này đã giúp các cổ phiếu nhóm này như HPG (+22,8%), HSG (+11,0%), NKG (+7,6%) hồi phục mạnh trong tuần qua.

Cổ phiếu Hòa Phát có mức giá trần trong cả ba phiên giao dịch gần đây. Vào giữa tuần, giá cổ phiếu HPG đã có thời điểm xuống dưới mức 12.000 đồng/cổ phiếu nhưng đảo chiều bật mạnh lên. Giá trị tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long, cổ đông sở hữu gần 1,52 tỷ cổ phiếu HPG, đã tăng thêm 4.246 tỷ đồng lên sát mốc tỷ USD.

HPG cũng là cổ phiếu đứng thứ hai toàn sàn về mức tăng giá tuần qua. Tuy nhiên, xét về mức độ đóng góp điểm tăng cho chỉ số chung, hai cổ phiếu nhà Vingroup gồm VIC và VHM mới là  đầu tàu tăng điểm.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Novaland tiếp tục ghìm chân chỉ số. Top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số còn EIB, PDR. Cả ba cổ phiếu này đều ghi nhận số lượng cổ phiếu dư bán sàn rất lớn, trong khi khối lượng khớp lệnh nhỏ giọt, đa phần cổ phiếu đăng ký bán ra bị “nhốt” lại do không có lực cầu.

Cá biệt, EIB đã  có bên mua chấp nhận xuống tiền khi giá rơi sâu xuống 18.150 đồng. Một tháng trước, cổ phiếu Eximbank có thời điểm giao dịch trên 40.000 đồng. Trong khi đó, NVL và PDR đều giảm 30% và vẫn chưa thấy thấy dấu hiệu đảo chiều dư bán sàn liên tục trong cả tuần giao dịch.

 Ám ảnh giải chấp, công ty chứng khoán cắt margin

Tuần qua, không ít công ty chứng khoán đã thông báo lệnh bán giải chấp cổ phiếu của người nội bộ doanh nghiệp. Đà rơi sâu của thị trường thời gian qua đã khiến giá trị tài sản đảm bảo trong các khoản vay ký quỹ “bốc hơi” nhanh chóng. Trong trường hợp không bổ sung kịp khi có lệnh gọi ký quỹ, hệ thống của công ty chứng khoán sẽ tự động thực hiện bán giải chấp cổ phiếu trong tài khoản nhà đầu tư.

Theo thông báo mới nhất từ MBS, các lệnh bán giải chấp cổ phiếu PDR của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt trong ba phiên 10/11, 14/11 và 15/11 đều không được khớp. Ngoài MBS, 6 công ty chứng khoán khác cũng thông báo bán giải chấp cổ phiếu PDR, gồm VCBS, ABS, MBKE, TVSI hay Chứng Khoán Shinhan Việt Nam. Tuy nhiên, với lượng cổ phiếu khớp lệnh nhỏ giọt, số cổ phiếu bán trên phần lớn chưa được giải chấp.

Tuần trước, khá nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra ngoài danh mục ký quỹ lượng cổ phiếu khá lớn. MBS đưa 17 mã chứng khoán ra khỏi Danh mục cho vay. MBS đưa cổ phiếu DHC ra khỏi danh mục ký quỹ ngay ngày 15/11. Ngoài ra, cổ phiếu AGG, HHV, TDC, BAF, NHH, DXS, HLD, PAC, ICT, TRC, SSB, NCT, LIX, DVN, SCS, SWC, loại khỏi danh mục cho vay từ 16/11 và loại khỏi danh mục tính quản trị rủi ro từ 21/11.

Điều này cũng đồng nghĩa cổ phiếu bị hạ tỷ trọng margin ngay lập tức về 0%. Động thái này cũng kích hoạt lệnh bán giải chấp rất lớn.

Hai lãnh đạo của Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu gồm Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT Đoàn Hữu Thuận đã bị giải chấp cổ phiếu ngay trong phiên đảo chiều 16/11.

Giải trình về lý do bị giải chấp, hai lãnh đạo Hodeco cho biết công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, mặc dù đã liên hệ đề xuất trong vòng 1 tuần sẽ bổ sung tài sản.

Tuần trước, Chứng khoán Mirae Asset đã công bố việc sẽ tiến hành bán giải chấp 700.000 cổ phiếu DHC của Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Lương Văn Thành từ ngày 10/11. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, người nội bộ của Dohaco lại liên tục thông báo lệnh mua cổ phiếu. Trong hai phiên 16/11 và 17/11, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, thành viên HĐQT đã mua xong 1 triệu đơn vị như đã đăng ký hôm 11/11 và tiếp tục đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu DHC.

Đình chỉ giao dịch cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS 

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo cổ phiếu của CTCP Chứng khoán BOS (mã ART) sẽ bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch từ ngày 21/11/2022.

Nguyên nhân bởi công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, khi vẫn chưa nộp BCTC quý III/2022. HNX yêu cầu Chứng khoán BOS phải giải trình nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ và công bố thông tin theo đúng quy định.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat